Người dùng máy tính ‘chuyên nghiệp’ không chỉ coi OC là phương pháp để đạt mục đích ‘chi ít được nhiều’ mà còn bởi đam mê ‘đua’ Mhz hay điểm benchmark.
Một khi đã đạt đến đỉnh cao của tốc độ thì cũng phải có cách nào đó để ghi nhận thành tích. Trong đó, có hai cách để đánh giá đó là:
‘Đạt được’ và ‘Ổn Định’
‘Đạt được’ có nghĩa là bạn vươn tới được tốc độ x nào đó nhưng chỉ có thể làm một vài tác vụ cơ bản, chụp vài bức hình hay lấy điểm benchmark khoe bạn bè. Khi để hệ thống chạy ở tốc độ quá cao như vậy sẽ gây rối loạn, những lỗi kỳ lạ như từ sao hỏa sẽ liên tục xuất hiện khiến bạn không biết đâu mà lần… tóm lại là rất khó chịu.
Một số từ chuyên môn
■ Internal Clock Speed: Tốc độ hoạt động của CPU hệ thống (ví dụ 1.4Ghz hay 2.4Ghz).
■ Front Side Bus (FSB): Bus truyền dữ liệu của CPU và hệ thống.
■ Multiplier: Hệ số nhân.
■ Vcore: Điện thế nhân của CPU.
■ AGP/PCI Clock: Tốc độ hoạt động của bus PCI và AGP.
■ Vid: Card màn hình.
■ Overclock (OC): ép xung.
■ BSOD (Blue Screen of Death): màn hình báo lỗi với màu xanh rất ‘dễ thương’ của Windows.
Bạn chỉ nên OC lên mức này trong các cuộc đua tốc độ hay hiệu năng đồ họa và bạn cần một chương trình như CPU-Z , WCPUid hay Sisoft Sandra để lấy thông số.
Trong trường hợp đua sức mạnh đồ họa thì card màn hình đóng vai trò rất quan trọng, bạn cần có hệ thống ổn định hơn để có thể vượt qua mọi thử nghiệm với hai chương trình được yêu thích nhất là 3Dmark 2001 và 3D Mark 2003 của Futuremark. Sau khi có điểm bạn có thể đăng kí lên bảng xếp hạng trực tuyến (ORB – Online Result Browser) của công ty. Hiện tại cuộc đua trên ORB có trên một triệu người trên khắp thế giới tham gia với nhiều giải cho các cấu hình máy khác nhau.
Nếu bạn thuộc ‘tip’ người ‘ăn chắc mặc bền’, muốn có một hệ thống nhanh nhưng phải ổn định để làm việc thì hãy thử tính ổn định với 2 chương trình kiểm tra Prime 95 và Super PI. Mỗi chương trình có một nguyên tắc hoạt động khác nhau. Với Prime95, nó sẽ tự động sử dụng những phần CPU rảnh rỗi để thực hiện các chuỗi tính toán nhằm làm cho CPU luôn hoạt động trong trạng thái bận rộn (100% usage) trong khi bạn vẫn có thể thực hiện những công việc thường nhật như xem phim, soạn văn bản thậm chí chơi game. Đối với SuperPI thì ngược lại: Một khi được kích hoạt, chương trình sẽ thực hiện những phép tính rất lớn tới hàng tỉ con số để bắt toàn bộ hệ thống làm việc hết công suất nhằm tìm ra những điểm bất ổn định. Nếu hệ thống của bạn có thể chịu được quá trình này từ 4-8 tiếng thì xem như nó đã ổn định và có thể dùng để chạy hàng ngày, còn nếu không may gặp lỗi thì hãy giảm tốc độ xuống một chút hay tăng thêm chút ít Vcore (điện thế nhân CPU) rồi thử lại.
Nhân tiện nói tới Vcore (điện thế nhân CPU), xin lưu ý vài điều:
Khi bạn tăng tốc độ chip thì nó sẽ yêu cầu thêm điện thế để có thể chạy ổn định. Việc tăng điện thế lên quá cao có thể gây cháy chip nhưng hiện tại việc này rất khó xảy ra do tất cả các loại mainboard đều có hệ thống an toàn, tuy nhiên nếu để Vcore cao có thể làm chip bị quá nóng dẫn tới mất ổn định. Bạn có thể tìm ra những con số an toàn nhất đối với hệ thống của mình theo quy trình sau:
1. Đẩy CPU lên hết mức cho đến khi bắt đầu mất ổn định.
2.Tăng Vcore lên một mức (thông qua BIOS hay jumper trên mainboard).
Lặp lại bước 1 và bước 2 cho đến khi nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép (thường là 68-70°C) thì tăng cường giải pháp làm mát rồi tiếp tục lặp lại như trên. Nói chung trong điều kiện khí hậu Việt Nam cũng như các giải pháp tản nhiệt hiện có thì bạn không nên đẩy Vcore quá 1,85v đôi với P4- Northwood và 2,1v đối với AMD T- Bred.