Nếu hỏi bất kỳ một chuyên gia OC (Overclocker hay Ocer): Điều gì quan trọng nhất đối với việc ép xung? Câu trả lời sẽ là tìm mua được linh kiện ‘ngon’!

Chúng ta hãy cùng nhau điểm qua 2 trong số các linh kiện quan trọng nhất của hệ thống máy tính nhé.

RAM

Khi FSB tăng thì bus RAM cũng sẽ tăng theo, ví dụ khi FSB là 400Mhz thì RAM cũng chạy ở 400Mhz. Các loại mainboard mới gần đây cho phép chỉnh hệ số tỉ lệ giữa FSB và RAM, hệ số 1:1 có thể hạ xuống 3:4, 2:3 để bus RAM chạy ở tốc độ thấp hơn. Ngoài tốc độ RAM bạn còn phải để ý đến độ trễ CAS của RAM, càng thấp càng tốt, thường là 2.0 đối với các loại RAM hàng hiệu và tốt. Đại đa số các loại RAM trên thị trường Việt Nam là CAS 2.5 hay tệ hơn là CAS 3.0. Để nhận biết đặc điểm này bạn cũng áp dụng cách tương tự như CPU. Ví dụ thanh Kingston 512MB DDR333 có Serial: KVR333X64C25/512 thì C25 chính là CAS của RAM.

Đối với các hiệu RAM khác thì số hiệu có thể khác nhưng thường số CAS của RAM có dạng Cxx. Một số loại RAM tốt mà bạn có thể mua ở nước ngoài như Corsair XMS, Kingston HyperX… Những chipset mới như nFORCE 2 hay 875P, 865PE hỗ trợ công nghệ Dual Channel DDR, tuy cho băng thông rất lớn nhưng lại hạn chế về khả năng OC.

Một số người không coi trọng RAM lắm và luôn hạ tốc độ RAM xuống thấp trong khi ép xung CPU lên cao. Thực tế, điều này không có lợi chút nào vì dù CPU xử lý nhanh nhưng khi dữ liệu qua RAM bị tắc nghẽn thì cũng không hiệu quả. Đối với AMD, nếu bạn chạy FSB với RAM đồng bộ thì hiệu suất hệ thống sẽ có cải thiện đáng kể.

ram cpu

Card màn hình

Khi bạn tăng FSB thì tốc độ bus AGP/PCI cũng tăng theo, các MB mới gần đây đã cho khóa bus AGP và PCI lại nên điều này không quan trọng, tuy nhiên nếu card tốt có thể chịu bus AGP/PCI cao thì dĩ nhiên sẽ tăng tốc độ. Điều quan trọng: card màn hình (vid) chính là cái bạn có thể ép xung rất cao. Card màn hình cũng có thể coi như một máy tính, có bản mạch chính (PCB), bộ xử lý đồ họa GPU (Core), RAM đồ họa (Vidmem), chính vì thế mà việc lựa chọn card tốt là rất quan trọng; bạn không thể mua rời từng bộ phận rồi lắp lại.

Bảng mạch (PCB) của card đồ họa cao cấp như GeForce4 Ti hay 9700 Pro thường có từ 8 lớp trở lên nhằm tăng tính ổn định nguồn điện cấp cho các thành phần của vid. Các hãng sản xuất cung cấp card màn hình cũng rất phong phú giúp cho bạn có nhiều chọn lựa. Nói chung hầu hết các hãng sản xuất mainboard tên tuổi đều cung cấp cả card màn hình như MSI, Asus, Gigabyte, Abit, Albatron… Ngoài ra cũng có những hãng chuyên sản xuất card màn hình như Sparkle, Palit, Hercules, Gainward, Leadtek, HIS, Sapphire…

Nhìn chung, nếu nhằm vào nhu cầu sử dụng bình thường thì hầu như loại nào cũng đáp ứng được, tuy nhiên cần đề phòng một số đồ nhái hàng cao cấp đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Khi mua card màn hình bạn cần xác định rõ một vài điều. Nếu là dân OC chuyên nghiệp thì đa phần sẽ mua card có tản nhiệt dễ tháo và có bảng mạch lớn để có thể tháo lắp và thay đổi các linh kiện dễ dàng. Nếu bạn là ‘amateur’ hay ‘semi-pro’ (nghiệp dư) thì sẽ chọn những loại tản nhiệt như Abit Siluro OTES hay Albatron Medusa Series với tản nhiệt đồng vì chúng làm mát rất tốt nhưng lại khó tháo lắp. Card được đánh giá cao trên thị trường thế giới hiện tại là Hercules nhưng giá thường rất đắt và hầu như không thể mua tại Việt Nam vì không có đại lý chính thức. Cho nên Asus, Abit, Albatron là những lựa chọn sáng giá.