Ép xung – overclock (OC) đã xuất hiện từ khá lâu, ngay từ những chiếc máy tính đầu tiên dùng bộ xử lý 286, 386.

Có thể bạn không tin nhưng hãy nhớ lại xem có phải trên những chiếc máy đó luôn có nút Turbo hay tương tự không? Mỗi khi ấn nút này là máy được overclock một chút, độ tăng xung nhịp không lớn lắm tùy theo mặc định của nhà sản xuất. Đơn cử như chiếc máy 386 ngày xưa tốc độ mặc định là 33Mhz, khi chuyển sang chế độ Turbo tốc độ tăng lên 40Mhz. Cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ sản xuất chip, những khái niệm xoay quanh vấn đề OC cũng có sự thay đổi.

Các hãng mainboard OC nổi tiếng

Mainboard là thành phần quan trọng đối với OC vì nó là thứ kết nối tất cả mọi bộ phận với nhau. Nếu hình dung máy tính giống một chiếc xe máy thì Mainboard giống cái khung xe. Nếu xe muốn chạy nhanh thì bộ khung phải tốt và có sức chịu lực cao. Đối với mainboard cũng vậy. Hiện trên thị trường Việt Nam có nhiều hãng mainboard tên tuổi như:

Albatron:

Đây là gương mặt mới đối với thị trường Việt Nam, tuy mới thành lập nhưng Albatron đã nhanh chóng chứng minh được vị thế và khả năng của mình. Mainboard Albatron nói chung rẻ và khả năng OC trên một số dòng mainboard gần đây được đánh giá khá cao như: PX845PE Pro II (chipset 845PE), PX865PE Pro (chipset 865PE Springdale).

albatron mainboard

Asus:

Tuy không quảng cáo rầm rộ về khả năng OC nhưng độ ổn định cũng như khả năng chịu xung nhịp cao của mainboard Asus tốt nhất. Vào thời điểm này trong top 10 xếp hạng của các Ocer trên thế giới, Asus chiếm tới 5 vị trí (bao gồm vị trí số 1). Điểm yếu duy nhất của mainboard Asus là giá cao (đôi khi tới gấp rưỡi) so với các mainboard cùng loại của các hãng khác.

Abit:

Quảng cáo rất rầm rộ về khả năng OC với công nghệ Softmenu III, tuy khả năng ép xung rất tuyệt vời nhung thường kém ổn định ở tốc độ cao, những model cho khả năng OC tốt và đầy đủ chức năng lại rất đắt.

Gigabyte:

Nói chung đây là hãng sản xuất nhắm vào thị trường phổ thông nên không chú trọng lắm đến OC, tuy nhiên một số model gần đây thuộc dòng XP với Dual Power Supply thì khả năng OC khá cao do nguồn điện cấp cho CPU rất ổn định: 8INXP (chipset Intel E7205), 8KNXP (chipset 875P Canterwood), 8PENXP (chipset 865PE Springdale).

MSI:

Khá giống Gigabyte về mục tiêu thị trường, tuy nhiên những model Neo sử dụng chipset Intel 865, 875 gần đây cũng rất khá và được đánh giá tương đối cao.

Epox: 

Gần tương tự với Abit về khả năng, tuy nhiên đôi khi gây cho người dùng ấn tượng là các model của Epox chỉ dùng để OC chứ không phải để sử dụng hàng ngày. Các model cho AMD của Epox xuất sắc hơn nhiều so với những loại cho Intel. Ưu điểm: giá rẻ hơn nhiều so với Asus, Abit.

ASRock, FIC, ECS, Biostar…:

Đây là những mainboard hướng vào người dùng quan tâm về giá, tuy nhiên chúng lại khá hay đối với một số tay chuyên nghiệp do khả năng chỉnh sửa dễ dàng (ví dụ model K7S5A cho chip AMD của ECS).

Khi mua mainboard bạn nên chú ý tới các thông số thiết lập trong BIOS qua sách hướng dẫn đi kèm (User Manual), thường thì các mainboard cao cấp hỗ trợ tốt OC cho chỉnh rất chi tiết những thông số liên quan tới FSB, Vcore, tốc độ RAM,… Một số hãng cung cấp các phần mềm ép xung ở cấp hệ điều hành như Gigabyte hay MSI nhưng nó gây rắc rối nhiều hơn là tiện lợi, hơn nữa việc thay đổi tốc độ và điện thế CPU trong khi đang vận hành rất nguy hiểm.